Nhận thấy mô hình trồng sen lấy củ xen mang lại giá trị kinh tế cao. Vợ chồng ông Trần Văn Hiệp, ở Khóm 2, Phường 7, thành phố Sóc Trăng đã mạnh dạn thuê lại trên 20 ha đất để đầu tư phát triển mô hình trồng sen lấy củ. Theo đánh giá của ông Hiệp, so với trồng lúa thì trồng sen lợi nhuận cao hơn gấp 2 – 4 lần, chi phí lại thấp, ít sâu bệnh, 1 ha lúa nếu trúng thì mỗi vụ thu nhập trên chục triệu, còn với sen lấy cũ nếu mùa thuận thì mỗi ha thu nhập trên 25 tiệu đồng/ ha.
Từ hiệu quả kinh tế của mô hình, đầu năm 2024, Hội Nông Dân Phường 7, thành phố Sóc Trăng đã vận động các nông hộ tham gia vào Tổ hợp tác trồng sen lấy củ do ông Trần Văn Hiệp làm tổ trưởng. Tổ hợp tác hoạt động trên tinh thần tự nguyện, các thành viên gắn kết với nhau, trong việc sẻ chia kinh nghiệm sản xuất,chia sẽ mô hình mới, cách làm hay và cùng nhau tạo đầu ra của sản phẩm. Với vai trò Tổ Trưởng tổ hợp tác trồng Sen lấy củ ông Trần Văn Hiệp đã tập trung cải tạo diện tích đất canh tác trồng một vụ lúa hai vụ sen để phát huy hiệu quả kinh tế cây Sen, ngoài lấy củ thì lá sen, bông sen, hạt, cũng đem lại 1 khoản lợi nhuận khá cho bà con nông dân. Cùng với đó, Tổ hợp tác kết nối với thành viên để nâng diện tích trồng, tìm cơ sở thu mua để ổn định đầu ra, tiến tới phát triển kinh tế gia đình ổn định từ mô hình một vụ lúa, hai vụ sen
Còn tại Phường 5, thành phố Sóc Trăng, vốn đam mê với trồng trọt, vợ chồng anh Quách Bảo Duy và chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung ở Khóm 4 đã quyết định đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng nhà lưới diện tích gần 2.000 m² để trồng rau màu sạch theo mô hình thủy canh, toàn bộ quá trình sản xuất tuân thủ theo quy trình VietGAP. Hiện tại, trang trại đã trồng đa dạng các loại rau như: xà lách, cải bó xôi, cải xoăn, rau muống, rau gia vị, …những loại rau hợp với thủy canh, hữu cơ an toàn. Mỗi ngày trang trại cung cấp ra thị trường khoảng 30 kg rau các loại. Do chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng nên các sản phẩm của trang trại được khách hàng ưa chuộng.
Chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện mô hình, chị Nhung cho biết: mô hình thủy canh, cây rau được trồng trong môi trường cách ly nên ít khi nhiễm sâu bệnh, mặt khác việc cấp nước liên tục giúp cây rau luôn tươi tốt và bảo quản được lâu hơn; năng suất cao hơn so với trồng thổ canh truyền thống. Do không tồn dư các loại thuốc bảo vệ thực vật, nên rau thủy canh rất an toàn cho người tiêu dùng.
Từ hiệu quả mang lại, các cơ quan chuyên môn thành phố và chính quyền địa phương cũng đã tổ chức các buổi hội thảo, giới thiệu tiềm năng, kỹ thuật canh tác, từ đó nhân rộng trên địa bàn thành phố Sóc Trăng, hướng đến phát triển nông nghiệp đô thị xanh, bền vững, góp phần mang đến diện mạo tươi mới cho ngành nông nghiệp địa phương./.